Giới khoa học Mỹ chưa tìm ra nguyên nhân khiến hàng nghìn con chim chết trên trời và rơi xuống đất. |
Một con chim chết trên đường phố tại thành phố Beebe, bang Arkansas hôm 1/1. Ảnh: AP. |
AP dẫn lời giới chức thuộc Ủy ban Săn bắn và Đánh cá bang Arkansas (AGFC), Mỹ thông báo, vào khoảng 23h30 ngày 31/12/2010, khoảng 2.000 con chim màu đen rơi từ trên trời xuống đất tại thành phố Beebe thuộc bang này ngay trước thời khắc đầu tiên của năm mới. Phần lớn chim đã chết, nhưng một số vẫn sống khi nhân viên môi trường tới nơi.
“Ngay khi tôi tới xác chim vẫn tiếp tục rơi”, Robby King, một chuyên gia về động vật hoang dã của AGFC, kể.
King nhặt và gửi 65 xác chim tới phòng thí nghiệm của Ủy ban Gia cầm và Gia súc Arkansas và Trung tâm Sức khỏe Động vật hoang dã tại bang Wisconsin để phân tích.
Sau khi máy bay đưa giới chức AGFC lên không phận thành phố, họ nhận thấy xác chim chỉ rơi trong một khu vực, chứ không rải rác khắp thành phố.
|
Nhân viên môi trường nhặt xác chim tại thành phố Beebe hôm 1/1. Ảnh: AP. |
Karen Rowe, một nhà điểu học của AGFC, nhận định những sự kiện kỳ lạ tương tự từng xảy ra ở nhiều nơi trên thế giới. Nhìn chung, chim thường gặp nạn bởi hiện tượng thời tiết xấu. Bão có thể thổi chúng ra xa vị trí ban đầu tới vài trăm km. Tại Bắc Cực, chim có thể chết vì lao vào nhau trong màn sương dày đặc. Nhiều con chim mất mạng khi gió thổi chúng vào các vách đá trên núi.
Ngay cả cá cũng có thể chết vì hiện tượng thời tiết. Hàng chục cơn mưa cá đã được ghi nhận trong nhiều năm qua trên thế giới. Các nhà khoa học cho rằng những cột nước giống như vòi rồng do bão tạo ra có thể là thủ phạm gây nên cơn mưa cá.
Hàng loạt giả thuyết được đưa ra để giải thích cơn mưa chim tại Arkansas.
“Những con chim bị tổn thương về thể chất và có thể chúng bị sét đánh hoặc gặp mưa đá trên cao. Việc người dân bắn pháo hoa để chào mừng năm mới cũng có thể khiến chim rời khỏi chỗ ngủ và sau đó chúng chết vì sợ hãi”, Rowe nhận định.
Do tất cả chim chết đều có bộ lông màu đen và rơi từ trên trời nên Rowe lại trừ khả năng chúng bị đầu độc. Nhưng khám nghiệm xác là cách duy nhất để xác định nguyên nhân cái chết của chúng. Việc phẫu thuật xác chim được tiến hành từ ngày 3/1.
Theo VnExpress